Thượng Hải nằm bên con sông Hoàng Phố. Bên dưới những tòa cao ốc chọc trời vẫn còn những ngõ nhỏ xinh xinh. Đứng ngắm ánh mặt trời rực rỡ trên sông Hoàng Phố, thấy nhịp sống hối hả nơi đây và đặc biệt lại thấy những đường phố với bóng cây ngô đồng xanh tốt tạo nên một nét duyên thầm không thể trộn lẫn.
1. Khái niệm của tôi về Thượng Hải có từ khi tôi còn rất nhỏ, qua một bức ảnh chụp những tòa nhà cao tầng vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX trên một tờ báo. Hồi đó những tòa nhà cao tầng đối với tôi là một điều gì đó xa xỉ, lớn lao. Rồi tôi dần biết về Thượng Hải qua những bài báo, qua những tác phẩm văn học của các tác giả Trung Quốc như Vương An Ức, Vệ Tuệ, Thiết Ngung... khi đã lớn và qua những show diễn thời trang đầy ánh đèn và những bộ quần áo lộng lẫy của những cô người mẫu trên tivi. Ai đã từng đọc tiểu thuyết “Trường Hận ca” một tác phẩm văn học của nữ nhà văn Trung Quốc, Vương An Ức thì sẽ thấy một Thượng Hải hiện lên thật quyến rũ. Những ngõ nhỏ của Thượng Hải hiện lên qua ngòi bút của chị cứ ám ảnh tôi cho tới tận bây giờ và điều đó thôi thúc tôi phải nhanh chóng khám phá những ngõ nhỏ ẩn mình sau những tòa nhà chọc trời, nơi tồn tại những góc khuất của một thành phố công nghiệp nằm bên sông Hoàng Phố thơ mộng. Chị bạn tôi cứ hoài công tìm kiếm một nguyên mẫu nhân vật trong truyện của tác giả trẻ Vệ Tuệ mà quên mất thời gian đang trôi.
|
Một góc phố đi bộ Nam Kinh (Thượng Hải).
|
Đã sang đầu tháng 9, thời tiết Thượng Hải đã bắt đầu lạnh mặc dù trên phố nắng vẫn rải vàng như mật. Cũng phải thôi, bởi sang đến đây đã thuộc về phương Bắc xa xôi rồi và cũng bởi vậy nước da của những cô gái Thượng Hải thật trắng đẹp và mịn màng. Anh bạn trong đoàn cứ mải mê nhìn theo những thiếu nữ Thượng Hải trên đường phố mà lạc lối quên mất đường về khách sạn. Ai đã đặt chân đến Thượng Hải không thể không dạo bước trên phố đi bộ Nam Kinh, một con phố dài 3 km với những trung tâm mua sắm hiện đại. Không phải ngẫu nhiên người ta gọi Thượng Hải là kinh đô thời trang của châu Á. Ở đây bạn có thể mua sắm tất cả những đồ hiệu nổi tiếng trên thế giới từ đồng hồ Thụy Sĩ, tới thời trang Pháp, Italia...
Xuất phát là một làng chài hẻo lánh, trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử, Thượng Hải đã phát triển và có những bước bứt phá ngoạn mục về phát triển kinh tế và nhanh chóng vượt qua Thâm Quyến và Quảng Châu - những thành phố đặc khu được tự do hóa sớm nhất Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, để trở thành đầu tàu kinh tế của Trung Quốc. Ngày nay, Thượng Hải có hải cảng sầm uất. Cuộc chuyển đổi diệu kỳ của Thượng Hải bắt đầu kể từ những năm 1980, khi Trung Quốc quyết định mở cửa thị trường. Với diện tích 6.340,5 km2, dân số hơn 20 triệu người, gấp đôi Thủ đô Bắc Kinh, hơn 20 năm qua, Thượng Hải đã chuyển đổi ngoạn mục và lột xác thành thiên đường đô thị với hàng nghìn tòa nhà chọc trời và hệ thống giao thông công cộng hoàn hảo, được cho là sẽ sớm vượt qua cả London (Anh). Sức hút của Thượng Hải lớn đến mức có tới trên 500 công ty đa quốc gia, từ General Motors cho tới Volkswagen, đã quyết định đặt trụ sở tại đây. Hàng năm, các dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn ồ ạt chảy vào với mức độ nhiều hơn ở bất kỳ quốc gia đang phát triển nào. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 12% - cao hơn cả tốc độ chung của Trung Quốc, Thượng Hải giờ đây được xem như hiện tượng của kinh tế toàn cầu. Nếu như những năm 1950, thu nhập bình quân đầu người ở đây chỉ 125 USD/năm thì đến nay con số này đã lên tới mức 5.400 USD/năm.
|
Hai hàng cây ngô đồng xanh mát trên đường phố Thượng Hải.
|
2. Sông Hoàng Phố chia Thượng Hải thành hai bên Phố Đông và Phố Tây, Phố Đông đại diện cho sự hiện đại, còn Phố Tây đại diện cho sự cổ kính. Trước đây bên Phố Tây là trung tâm kinh tế chính của Thượng Hải, thì nay Phố Đông vượt lên trở thành đô thị hiện đại với những công trình đồ sộ nhất Trung Quốc như tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu cao thứ ba thế giới (468m), toà nhà Kim Mậu (cao 420m) và một rừng cao ốc. Ngày nay, chính quyền Thượng Hải vẫn bảo tồn những khu phố cổ bên Phố Tây mà người ngoại quốc từng đến sinh sống vào những năm 1920 - 1930. Nhiều toà nhà cổ từng là nơi chiếm đóng của người Anh, Pháp nay được chính quyền trùng tu và bảo tồn như những di sản có giá trị. Trên con phố Bund - con phố nổi tiếng nhất châu Á và là trung tâm tài chính Thượng Hải trước kia, nhiều văn phòng của các hãng nổi tiếng nước ngoài hiện vẫn đang có mặt tại đó. Anh hướng dẫn viên người Thượng Hải tự hào khi chỉ cho chúng tôi tòa nhà nơi đoàn làm phim “Cuộc đời phiêu bạt của Tam Mao”, bộ phim quen thuộc với khán giả Việt Nam, đã từng lấy bối cảnh ở đó.
|
Phố đi bộ Nam Kinh, thành phố Thượng Hải. Ảnh: T.G
|
Đặc trưng trên khắp đường phố Thượng Hải là những hàng cây ngô đồng xanh tốt. Nó tạo nên một nét duyên thầm của thành phố hiện đại này. Cả thành phố hầu như không thấy những ngôi nhà ở riêng xây theo kiểu như ở Việt Nam. Người dân Thượng Hải bây giờ ở nhà chung cư cao mấy chục tầng và di chuyển chủ yếu bằng ô tô và tàu điện ngầm. Xe máy rất ít trên đường phố, nếu có chỉ là xe máy điện nội địa do Trung Quốc sản xuất. Tình trạng tắc đường của Thượng Hải cũng phổ biến như một số nước châu Á mặc dù đã có 5 - 6 làn cầu vượt và hệ thống giao thông hiện đại. Để giảm tình trạng ùn tắc giao thông, chính quyền thành phố Thượng Hải đã hạn chế việc cấp đăng ký ô tô cho người dân. Trung bình hiện nay người dân muốn đăng ký ô tô phải chờ 1 năm mới được cấp.
Với 2 sân bay Phố Đông (quốc tế) và Hoàng Kiều (nội địa) và hơn 40 hãng hàng không (nội địa và quốc tế) mỗi ngày có gần 300 đường bay xuất phát từ Thượng Hải. Mỗi năm, lưu lượng hành khách từ 2 sân bay này lên đến trên dưới 30 triệu lượt người. Một hệ thống tàu điện đệm từ có vận tốc cao nhất là 431km/giờ, trị giá 1,2 tỷ USD, được xem là một trong những biểu tượng của sức sống Thượng Hải sắp được đưa vào sử dụng. Với hệ thống này, hành khách chỉ mất khoảng 7 phút để đi từ sân bay Phố Đông vào trung tâm thành phố. Đêm xuống, ánh đèn từ hàng nghìn tòa cao ốc, từ các trung tâm thương mại và các biển quảng cáo trên đường phố hắt ra, tạo cho Thượng Hải một sắc diện thật lộng lẫy. Cuộc sống về đêm của Thượng Hải vẫn ồn ào và náo nhiệt nhưng trong lòng nó, từ những người khách phương xa như chúng tôi đến những người dân bản địa, đều ôm ấp một nỗi niềm riêng mà ban ngày ít tỏ lộ. Đứng ở Bến Thượng Hải về đêm, chúng tôi nhìn về hai bờ Phố Đông và Phố Tây mới cảm nhận được sự hiện đại và náo nhiệt của thành phố này.
|
Kiến trúc cổ ở Miếu Thành Hoàng (Thượng Hải). Ảnh: T.G
|
Nếu như Thủ đô Bắc Kinh coi Olympic 2008 là một cơ hội để phát triển, quảng bá văn hóa, du lịch thì Thượng Hải lại đang hướng sự quan tâm vào Triển lãm hàng hóa xuất khẩu thế giới World Expo 2010. Theo dự kiến sẽ có khoảng gần 100 triệu khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về Thượng Hải để tham dự, tham quan triển lãm này và đây chính là cơ hội để thành phố mời gọi đầu tư cũng như giới thiệu về mình. Chúng tôi đi tới đâu, từ nhà ga, sân bay cho đến các trung tâm thương mại, hay trên đường đều bắt gặp những hình ảnh quảng bá cho Triển lãm này. Anh hướng dẫn viên người Thượng Hải cũng rất khéo léo khi lồng sự kiện này vào trong quá trình nói chuyện với chúng tôi, những du khách đến từ Việt Nam. Bên cạnh sự phát triển thần kỳ, ngày nay vẫn còn nhiều thách thức cho thành phố Thượng Hải như nạn di dân ồ ạt và sự phân hóa giàu nghèo. Tuy nhiên, bất chấp những thách thức đó, các khu nhà chọc trời, hệ thống giao thông hiện đại và cuộc sống đô thị sôi động của Thượng Hải vẫn là biểu tượng kinh tế tiêu biểu của Trung Quốc.
|